Hiện nay, tình trạng ngao (nghêu) chết trên diện rộng đã xuất hiện tại một số địa phương trên cả nước. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên ngao, vừa qua Cục Thú y đã ban hành văn bản hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên ngao kèm theo Công văn số 195/TY-TS.
Cụ thể, các biện pháp phòng bệnh như sau: Chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chọn cỡ giống lớn và có kết quả xét nghiệm âm tính với Perkinsus; Mật độ thả nuôi và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cần phải theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản (lưu ý nên thả mật độ thưa); Vệ sinh bãi ngao hàng ngày, thu gom rác, xác ngao chết trên bãi ngao đưa lên bờ ở nơi quy định tránh gây ô nhiễm bãi ngao; tiến hành kiểm tra kích cỡ ngao và mật độ ngao để tiến hành san thưa, giảm cạnh tranh thức ăn, tạo điều kiện cho ngao phát triển tốt. Định kỳ 1-2 tháng/lần hoặc khi có hiện tượng ngao chết bất thường, thu mẫu xét nghiệm ký sinh trùng Perkinsus tại các vùng nuôi để đánh giá mức độ nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp địa phương không xét nghiệm được, có thể thu mẫu (ngao, nước, bùn) và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm được chỉ định để xét nghiệm.
Về quản lý vùng nuôi ngao: cần thống kê diện tích nuôi trong quy hoạch, ngoài quy hoạch; tổng diện tích thả nuôi hiện tại theo từng huyện cụ thể. Nguồn giống và chất lượng con giống: tỷ lệ giống sản xuất tại tỉnh, nhập tỉnh, giống ngao thả nuôi; Quản lý thả nuôi trong vùng quy hoạch nơi có đủ điều kiện tốt cho ngao sinh trưởng, không nuôi ở những nơi nước nông có thời gian phơi bãi dài từ 3-4 giờ trở lên sẽ làm cho ngao/nghêu bị chết do nắng nóng mùa hè hoặc lạnh mùa đông, không nuôi ở những nơi quá gần cửa sông do môi trường thường bị thay đổi đột ngột trong mùa mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm từ sông đổ ra.
Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, phổ biến mùa vụ thả nuôi, mật độ thả nuôi trung bình theo từng vùng nuôi; công tác tổng hợp và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao phù hợp tập quán, kỹ thuật thả nuôi của người dân và đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường định kỳ 1 lần/tháng: kiểm tra một số chỉ tiêu như độ mặn, pH, NH3, H2S, BOD5, COD, DO, tảo độc hoặc kim loại nặng để đánh giá sự biến động các chỉ tiêu môi trường. Khi có sự biến động về thời tiết như nắng nóng kéo dài, nước biển đổi màu bất thường, mùi bất thường, thủy triều đỏ … hoặc có hiện tượng ngao chết bất thường tiến hành quan trắc (nước và bùn), thông báo các biến động, cần thiết có thể hướng dẫn phun nước lên mặt bãi để giữ ổn định môi trường. Củng cố, nâng cấp Phòng thử nghiệm để chủ động đo, kiểm các chỉ tiêu môi trường.
Về các biện pháp xử lý khi ngao bị chết nhiều trong khu vực nuôi: cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT và thực hiện một số nội dung sau: Điều tra tình hình ngao chết; Thu mẫu ngao và môi trường xác định nguyên nhân; Các biện pháp xử lý vùng có ngao chết: tùy theo tình hình thực tế tại địa phuong, tiến hành thu hoạch đối với ngao đạt kích cỡ thương phẩm, san thưa ngao kích cỡ nhỏ hoặc di chuyển sang khu vực khác ít bị ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ; Vệ sinh bãi ngao, thu gom xác ngao chết đưa ra khỏi khu vực nuôi ngay sau khi phát hiện ngao chết càng nhanh càng tốt nhằm hạn chế việc ô nhiễm môi trường làm tình hình ngao chết trầm trọng hơn. Tạm dừng thả nuôi mới cho đến khi xử lý xong nguyên nhân gây chết ngao và các chỉ tiêu môi trường trở lại ngưỡng cho phép.
Thực hiện song song các công tác khác như cập nhật thông tin, báo cáo, đưa ra các biện pháp ứng phó. Đồng thời, thông báo cho các vùng nuôi xung quan để có biện pháp phòng chống kịp thời.